Kỹ năng buông bỏ trong công việc bạn nên thử
Sự thật là bạn không thể làm tốt tất cả mọi thứ và bạn cũng phải là thánh 3 đầu 6 tay để làm hết khối lượng công việc của cả team.
Tôi luôn ngưỡng mộ những con người đầy tham vọng nhưng cuộc sống không phải lúc nào ta cũng có thể có được thứ mình muốn. Lúc này, bạn sẽ làm gì? Đó là khi chúng ta cần kỹ năng buông bỏ
Những tiêu chuẩn xã hội đặt ra cho một hình mẫu con người thành đạt khiến cho hầu hết chúng ta trở nên tham lam hơn mà bản thân không hề nhận thấy. Ai cũng tranh giành nhau những cơ hội trong bất kỳ lĩnh vực để chứng tỏ bản thân. Hiển nhiển nhất là trong công việc, bạn sẽ dễ dàng thấy sự cạnh tranh giữa các bộ phận/phòng ban, giữa những thành viên trong cùng một team và ngay cả giữa các sếp với nhau. Tinh thần đua tranh là động lực cùng nhau phát triển, nhưng, đến một mức độ nào đó nó khiến chúng ta trở nên xa rời nhau và vô hình chung biến chúng ta thành những con người ích kỷ.
Tôi luôn ngưỡng mộ những con người đầy tham vọng nhưng cuộc sống không phải lúc nào ta cũng có thể có được thứ mình muốn. Lúc này, bạn sẽ làm gì? Đó là khi chúng ta cần kỹ năng buông bỏ. Buông bỏ là một kĩ năng cực kì quan trọng trong cuộc sống. Biết buông bỏ sẽ giúp ta thêm hài lòng và có nhiều niềm vui trong cuộc sống. Bắt đầu trong công việc, bạn có thể áp dụng kỹ năng buông bỏ thông qua 4 cách sau.
1. Bớt ôm đồm công việc
Sự thật là bạn không thể làm tốt tất cả mọi thứ và bạn cũng phải là thánh 3 đầu 6 tay để làm hết khối lượng công việc của cả team. Bớt ôm đồm công việc mà học cách phân chia nhiệm vụ với mọi người. Điều này cực kỳ quan trọng khi bạn lên đến những vị trí cao hơn.
Anh bạn đồng nghiệp của tôi cả tháng nay ngày nào cũng ở lại văn phòng đến 10-11h khuya vì anh ấy nhận làm một dự án rất lớn của công ty. Tôi không rõ anh ấy có đang hài lòng với công việc hay không mà chỉ thấy sức khỏe giảm sút hẳn, thường xuyên bị bệnh và dễ cáu gắt vì những việc nhỏ.
2. Bỏ qua những thứ tủn mủn, nhỏ nhen
Trước đây tôi cũng hay để ý những chuyện nhỏ vặt trong văn phòng rồi mang về nhà suy nghĩ nặng đầu. Sau này mới thấy toàn những chuyện không đáng và không ảnh hưởng đến công việc. Những mâu thuẫn hay xung đột trong công việc là điều hiển nhiên ở bất cứ văn phòng làm việc nào. Bạn cũng không thể lựa chọn chỉ làm việc với những người bạn thích. Vì vậy, đừng để ý làm gì chuyện anh A bị viêm cánh nếu như anh ấy luôn làm tốt công việc của mình, hay chị B thích nhiều chuyện nhưng việc này không hề ảnh hưởng gì đến công việc.
Một khi bỏ qua những suy nghĩ tự biên tự diễn của mình, bạn sẽ cảm thấy đầu óc nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy Sếp tôi và Sếp ở một bộ phận khác vẫn cười nói vui vẻ với nhau sau khi cãi nhau một trận tời bời trong cuộc họp. Hỏi ra mới biết họ hoàn toàn tách biệt hẳn công việc và mối quan hệ vì mối quan hệ là điều đáng trân trọng.
3. Bỏ qua cái tôi ích kỷ
Chắc bạn vẫn còn nhớ câu chuyện hai con dê qua cầu. Chỉ vì tính ích kỷ, đặt cái tôi của mình cao hơn dẫn đến kết quả không hay cho cả hai. Thực tế trong công việc nói riêng và cuộc sống nói chung, nếu bạn đặt cái tôi của mình quá cao thì bạn sẽ làm việc một mình và sống cô lập với mọi người. Sống trong tập thể, hãy học cách bỏ qua cái tôi để nghĩ cho người khác. Ai cũng có quan điểm riêng và không ai có quyền điều khiển người khác theo suy nghĩ của mình. Tôi biết điều này thuộc về tính cách nhưng hoàn toàn có thể học được.
Một chị đồng nghiệp của tôi có tính cách khá ương ngạnh và thích mọi người theo ý của mình, kết quả là mọi người ngại làm việc và không bao giờ mời chị ấy tham gia các buổi họp ý kiến.
4. Buông xả những áp lực, phiền não
Đừng cố gắng tránh áp lực hay căng thẳng trong công việc vì đây là điều hiển nhiên nếu bạn muốn thăng tiến trong sự nghiệp. Ở vị trí càng cao, bạn càng gặp nhiều áp lực hơn với trách nhiệm nặng nề hơn. Thay vào đó, hãy học cách giải tỏa và buông xả chúng. Du lịch, xem phim, ăn uống, đọc sách, thể thao,…hãy làm những gì mà bạn thích để giải tỏa stress. Đừng bao giờ chịu đựng áp lực trong một thời gian dài vì chúng ta không phải là rô bốt. Hậu quả của tình trạng stress triền miên khiến nhiều người nhìn mọi thứ trở nên tiêu cực và mất khả năng hưởng thụ cuộc sống.
Lời kết:
Buông bỏ để đón nhận. Học cách buông bỏ để biết đâu là điều mình thực sự cần. Chúc bạn biết buông bỏ những thứ không quan trọng và dành thời gian cho những điều có giá trị hơn trong cuộc sống.
Leave a Reply